Kali (K) là khoáng chất quan trọng trong cơ thể. Các tác dụng của kali với sức khỏe bao gồm điều hòa, cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan, đặc biệt là hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa và tiết niệu.

Kali là gì?
Kali (K) là khoáng chất với tỷ lệ chiếm nhiều thứ ba trong cơ thể. K rất quan trọng trong việc điều chỉnh chất lỏng, gửi tín hiệu đến hệ thần kinh và điều chỉnh các cơn co cơ bắp.
Khoảng 98% K trong cơ thể được tìm thấy trong các tế bào. Trong đó, 80% được tìm thấy trong tế bào cơ, 20% còn lại có ở trong xương, gan và hồng cầu.
Khi ở trong cơ thể, khoáng chất này hoạt động như một chất điện giải. Khi ở trong nước, chúng hòa tan thành các ion có khả năng dẫn điện. Các ion Kali mang điện tích dương. Cơ thể chúng ta sử dụng loại điện này để kiểm soát một loạt các quá trình, bao gồm quá trình cân bằng chất lỏng, dẫn truyền tín hiệu thần kinh và co thắt cơ bắp.
Do đó, nồng độ chất điện giải quá thấp hoặc quá cao đều có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.
Vai trò của Kali đến sức khỏe
Đối với trẻ em
- K cần thiết cho sự phát triển cơ bắp và não bộ ở trẻ. Trẻ em ở độ tuổi đi học thường hay bị thiếu hụt K.
- K giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch, sỏi thận cho trẻ trong tương lai.
- Lượng K trẻ cần thay đổi theo độ tuổi. Mỗi ngày, trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần khoảng 3g K, trẻ từ 4 đến 8 tuổi cần khoảng 3,8g Kali.
Đối với phụ nữ mang thai
- K giúp cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể. Mẹ bầu cần bổ sung K để ổn định huyết áp.
- K còn làm giảm hiện tượng chuột rút ở chân. Phụ nữ mang thai cần khoảng 4,7g K mỗi ngày.
Đối với người lớn
- K giữ cho nhịp tim điều hòa, ổn định. Khẩu phần ăn giàu Kali cũng làm giảm lượng cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
- K có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm nguy cơ đột quỵ.
- Ngoài ra, K còn hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất đạm và chất đường bột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, kích thích sự phát triển của hệ cơ bắp và hệ thần kinh.
Dư thừa, thiếu hụt Kali
Cơ thể con người hấp thu Kali chủ yếu thông qua ăn uống hàng ngày. Lượng Kali dư thừa sẽ được đào thải qua nước tiểu và mồ hôi.
Dư thừa Kali
- Tăng Kali trong máu dẫn đến tình trạng buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy, tim đập nhanh, tê các đầu ngón tay và chân, trường hợp nặng có thể khiến tim ngừng đập, tử vong.
Thiếu hụt Kali
- Triệu chứng thiếu Kali mức độ nhẹ: Cơ thể mệt mỏi, đau cơ, đau chi dưới, mất ngủ, trầm cảm, da bị dị ứng, phồng rộp, khô da, viêm đường ruột.
- Triệu chứng thiếu Kali mức độ nặng: Buồn nôn, tiêu chảy, loạn nhịp tim, hay nhầm lẫn, mất phương hướng, kém tập trung, phản xạ chậm, đau khớp.
- Thiếu K kéo dài sẽ gây ra rối loạn tim mạch và hệ thần kinh, nghiêm trọng hơn có thể gây liệt cơ, tử vong.
Bổ sung Kali
Kali có nhiều trong các loại thực phẩm, đặc biệt là trái cây, rau và cá. Bổ sung 3500- 4700mg kali mỗi ngày được xem là lượng tối ưu.
Lượng kali trong 100gram khẩu phần:
- Rau củ cải xanh nấu chín: 909mg
- Khoai lang nướng: 475mg
- Khoai tây nướng: 544mg
- Nấm nướng: 521mg
- Quả bơ: 485mg
- Rau bina nấu chín: 466mg
- Cải xoăn nấu chín: 447mg
- Cá hồi nấu chín: 414mg
- Chuối: 358mg
- Đậu Hà Lan nấu chín: 271mg
Ngoài ra, có thể dùng các chất bổ sung có chứa K, song đây không phải là cách tối ưu để bổ sung kali cho cơ thể.
Lưu ý
- Trường hợp thiếu K thường ít gặp. Các đối tượng thiếu K thường là: bệnh nhân bị tiêu chảy, nhất là trẻ em, người bị bệnh thận, tiểu đường, người tiết nhiều mồ hôi…
- Thực phẩm giàu Kali chế biến đun sôi trong nước có thể mất từ 50% đến 70% K. Do vậy, có thể thay đổi cách chế biến thành hấp hay ăn sống tùy loại thực phẩm.
- Chọn mua các loại thực phẩm giàu Kali tại các địa điểm bán có uy tín, để đảm bảo an toàn vệ sinh cho sức khỏe của bạn và gia đình.
Kali là khoáng chất quen thuộc và cần thiết cho sức khỏe, có tác dụng bảo vệ tim mạch, phát triển hệ cơ và thần kinh ở trẻ. Tất cả mọi người, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em, nên bổ sung đủ Kali mỗi ngày.