Glucosamine thường được dùng để hỗ trợ tình trạng thoái hóa xương khớp nguyên phát hoặc thứ phát, viêm khớp cấp và mạn tính. Cơ thể con người có thể tự tổng hợp được Glucosamine nhưng khả năng tổng hợp này giảm dần theo độ tuổi, sẽ dẫn đến mắc các bệnh xương khớp như khô khớp, cứng khớp, viêm khớp. Vậy những ai nên bổ sung glucosamine?

Glucosamine là gì?
Glucosamine là một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể con người, được cấu tạo từ 2 thành phần chính là đường fructose và axit amin glutamine. Glucosamine cần thiết để sản xuất glycosaminoglycan, một phân tử được sử dụng để hình thành, sửa chữa sụn và các mô cơ thể khác trong cơ thể.
Glucosamine có nhiều dạng gồm: Glucosamine sulfate, glucosamine hydrochloride, N-acetyl-glucosamine. Trong đó, glucosamine sulfate trong các loại thực phẩm bổ sung thường được chiết xuất từ động vật có vỏ.
Tác dụng của glucosamine
Glucosamine là thành phần tham gia cấu tạo nên hyaluronic acid, chondroitin sulfate, keratan sulfate mà các chất này tạo nên sợi collagen trong các mô khớp, sụn. Quá trình tổng hợp sợi collagen ở các mô sụn giúp làm chậm quá trình thoái hóa, biến dạng khớp và tạo chất nhờn giúp các khớp được vận động dễ dàng.
Glucosamine dạng dược phẩm là thành phần được dùng để điều chế ra các sản phẩm hỗ trợ điều trị viêm khớp gối mạn tính, giúp giảm triệu chứng của thoái hóa khớp.
Những ai nên dùng glucosamine?
Người bị bệnh viêm xương khớp
Viêm xương khớp là bệnh mạn tính do dịch khớp bị phá hủy, khiến xương mất đi lớp đệm và cọ xát vào nhau. Tình trạng này lâu ngày dẫn tới cứng khớp, khó cử động, đau và hạn chế chuyển động của cơ thể. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng tới khớp gối, hông, tay, chân cũng như cột sống.
Sử dụng glucosamine sulfate đường uống có thể giúp giảm đau cho những người bị viêm xương khớp đầu gối, hông hoặc cột sống.
Người bị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể . Bệnh gây viêm (đỏ, sưng) dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp, phần lớn là khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối. Viêm khớp dạng thấp không chỉ phá hủy làm tổn thương đến hệ khớp của còn thể mà có thể làm tổn thương đến cả hệ thống cơ thể bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng sử dụng glucosamine hydrochloride bằng đường uống có thể làm giảm cơn đau liên quan đến viêm khớp dạng thấp khi so sánh với giả dược.
Người bị viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ là một tình trạng mãn tính gây ra áp lực bàng quang, đau bàng quang và đôi khi bạn sẽ cảm thấy đau vùng chậu. Cơn đau dao động từ khó chịu đến đau dữ dội.
Glucosamine được quảng bá như là một phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ (IC), một tình trạng liên quan đến sự thiếu hụt hợp chất glycosaminoglycan. Vì glucosamine là tiền chất của hợp chất này, nên có giả thuyết rằng bổ sung glucosamine có thể giúp quản lý IC. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có dữ liệu khoa học đáng tin cậy để hỗ trợ lý thuyết này.
Người bị bệnh viêm đường ruột (IBD)
Viêm ruột là một phần trong bệnh lý viêm đường tiêu hóa. Viêm ruột là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm nói chung ở ruột gây ra do cả vi khuẩn lẫn virus. Nếu tình trạng viêm xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiêu hóa sẽ phá vỡ chức năng của các cơ quan, gây đau đớn và đe dọa tính mạng người bệnh.
Bệnh viêm ruột (IBD) có liên quan đến sự thiếu hụt glycosaminoglycan. Một nghiên cứu trên chuột mắc IBD chỉ ra rằng bổ sung glucosamine có thể làm giảm viêm.
Người bị bệnh đa xơ cứng (MS)
Đa xơ cứng (MS) là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống với chức năng thần kinh bị giảm sút kết hợp với việc hình thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của MS bao gồm nhiều giai đoạn tê liệt khác nhau.
Một nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của việc sử dụng glucosamine sulfate cùng với liệu pháp truyền thống để điều trị tái phát MS. Kết quả cho thấy không có tác động đáng kể đến tỷ lệ tái phát hoặc tiến triển bệnh khi dùng glucosamine.
Người bị bệnh tăng nhãn áp
Đây là bệnh lý nhãn khoa thường gặp, xảy ra khi áp lực thủy dịch trong nhãn cầu tăng cao và gây tổn thương hệ thần kinh thị giác, hậu quả nghiêm trọng nhất là dẫn đến mù lòa.
Bệnh tăng nhãn áp được cho là có thể điều trị bằng glucosamine. Một số nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng glucosamine sulfate có thể thúc đẩy sức khỏe của mắt thông qua việc giảm viêm và tác dụng chống oxy hóa trong võng mạc. Ngược lại, một nghiên cứu nhỏ chỉ ra rằng lượng glucosamine quá mức có thể gây hại cho những người mắc bệnh tăng nhãn áp.
Người bị bệnh viêm khớp thái dương hàm (TMJ)
Viêm khớp thái dương hàm (còn gọi là rối loạn khớp thái dương hàm, viêm khớp hàm thái dương) là bệnh lý rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh dẫn đến tình trạng đau có chu kỳ, co thắt cơ, mất cân bằng khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, chức năng của khớp thái dương hàm bị suy giảm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Một nghiên cứu nhỏ cho thấy dùng kết hợp glucosamine sulfate và chondroitin làm giảm đáng kể các dấu hiệu đau và viêm, cũng như tăng khả năng vận động của hàm.

Liều dùng của glucosamine
Liều glucosamine thường là 1.500 mg mỗi ngày.
Glucosamine bổ sung có sẵn ở hai dạng là glucosamine sulfate và glucosamine hydrochloride. Hầu hết các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu quả lớn nhất đối với glucosamine sulfate hoặc glucosamine sulfate kết hợp với chondroitin.
Glucosamin cần dùng liên tục từ 2-3 tháng, điều trị nhắc lại mỗi 6 tháng hoặc ngắn hơn tùy tình trạng bệnh.
Tác dụng phụ khi dùng glucosamine
Dùng glucosamine có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Buồn ngủ
- Đau đầu
- Chứng ợ nóng
- Buồn nôn
- Phát ban
Ngoài ra, glucosamine có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và insulin. Do đó, bệnh nhân bị tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng glucosamine.
Những lưu ý khi sử dụng glucosamine
- Glucosamine được chiết xuất từ vỏ của các loài giáp xác như tôm, cua, tôm hùm… chính vì thế những người bị dị ứng với hải sản cũng có thể bị dị ứng với glucosamin.
- Chỉ nên dùng glucosamine theo đúng liều lượng đã được bác sĩ chỉ định, việc tự ý thay đổi liều dùng có thể làm chậm quá trình hồi phục của xương khớp hoặc làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
- Khi sử dụng glucosamine, tùy thuộc và cơ địa của từng người mà có thể có tác dụng phụ không mong muốn như đầy hơi, khó chịu đường tiêu hóa, đau đầu, buồn ngủ, mất ngủ, dị ứng da, móng cứng…
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên sử dụng glucosamine, đây là khuyến cáo được các nhà khoa học đưa ra.
- Glucosamine là 1 dạng đường amino nên những bệnh nhân bị tiểu đường cần thận trọng khi sử dụng thuốc này. Cần theo dõi lượng đường huyết thường xuyên để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tham khảo ý kiến bác sĩ để có liều lượng sử dụng phù hợp nhất.
Nguồn cung cấp glucosamine
Việc bổ sung glucosamin là cần thiết , trong đó có nhiều cách để bổ sung glucosamin cho cơ thể mà phổ biến nhất là thông qua chế độ dinh dưỡng.
Glucosamin có nhiều trong nhiều loại thực phẩm như: cá, tôm, thịt bò, thịt gà, đậu phộng, hạnh nhân, trứng, đậu nành, các loại rau xanh,… Tuy nhiên, chế độ ăn thông thường thường không cung cấp đủ lượng glucosamin cần thiết nên cần bổ sung glucosamin qua các nguồn khác như thuốc hay thực phẩm chức năng.