Ngủ ngáy là hiện tượng thường gặp, tình trạng này chẳng những gây phiền hà và quấy rầy giấc ngủ của người khác, mà ngay cả bản thân người ngáy cũng bị giảm chất lượng giấc ngủ. Vậy, nguyên nhân và cách điều trị chứng ngủ ngáy là gì?

Ngủ ngáy là bệnh gì?
Ngáy là những âm thanh phát ra khi các mô đường hô hấp trên rung lên khi ngủ. Khi hít thở trong lúc ngủ, do lượng khí vào đi qua vùng họng hẹp phía sau, khiến các niêm mạc mô xung quanh rung lên, tạo ra tiếng ngáy.
Theo các chuyên gia, những người ngủ ngáy như vậy thường hay cảm thấy mệt mỏi, thiếu tỉnh táo vào ngày hôm sau. Điều này ảnh hưởng không ít đến hiệu quả học tập, làm việc và chất lượng cuộc sống nói chung.
Người ngủ ngáy thường cho rằng việc ngủ ngáy chỉ gây phiền toái đôi chút cho người xung quanh chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bản thân họ. Tuy nhiên đây lại là 1 quan điểm sai lầm vì nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc ngủ ngáy có mối tương quan chặt chẽ với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: đột quỵ, các bệnh tim mạch, tình trạng thừa cân béo phì, đau đầu, thiếu ngủ, giảm ham muốn tình dục…
Nguyên nhân gây ngủ ngáy
Trong hầu hết các trường hợp gây cản trở, khiến cho không khí giữa thanh quản và mũi lưu thông không được bình thường đều gây ra hiện tượng ngủ ngáy.
Các nguyên nhân cụ thể bao gồm:
- Nghẹt mũi hay đường thở trong mũi bị tắc: Do viêm xoang, viêm mũi dị ứng, do biến dạng mũi như lệch vách ngăn…
- Nguyên nhân do các vấn đề trong cơ vùng họng và cơ lưỡi: Ở một số người có các cơ ở họng và lưỡi ít hoạt động, chúng chùng xuống và tạo áp lực lên đường thở. Thường xảy ra khi ngủ sâu giấc, lạm dụng bia rượu hoặc thuốc ngủ và liên quan đến tuổi tác, tuổi càng cao thì các cơ càng kém vận động hơn.
- Tình trạng thừa cân béo phì có thể khiến mô vùng họng trở nên kém linh động gây ngủ ngày.
- Những trẻ em có VA, amidan hoặc hạch họng lớn cũng gây ngủ ngáy.
- Vòng miệng, lưỡi gà dài và mềm có thể gây tắc nghẽn đoạn đường thở từ mũi xuống họng làm phát ra tiếng ngáy.
- Ngủ nghỉ không điều độ gây tinh thần mệt mỏi.
- Hay uống rượu bia: cồn có khả năng làm rối loạn và ức chế hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, khiến các cơ vùng cổ bị giãn. Lúc này đường hô hấp có xu hướng đóng lại và đây là yếu tố làm tăng nguy cơ ngủ ngáy.
- Hút thuốc lá gây viêm họng, khiến các mô dễ bị rung khi thở và đóng đường hô hấp vào ban đêm.
- Tư thế ngủ: những người có thói quen gối đầu quá cao hoặc nằm ngửa cổ khi ngủ rất dễ phát ra tiếng ngáy khi ngủ do tư thế này làm hẹp đường thở.
Những ảnh hưởng của việc ngủ ngáy
Ngoài việc gây khó chịu đối với người ngủ cùng thì bản thân người mắc bệnh ngủ ngáy cũng có thể cảnh báo một số nguy cơ sức khỏe.
- Người ngủ ngáy làm tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn về tim mạch.
Nếu chứng ngừng thở kéo dài có thể gây ra:
- Tình trạng gián đoạn hô hấp thường xuyên mỗi khi ngủ, với mỗi lần ngừng thở có thể kéo dài đến 10 giây do đường thở bị tắc nghẽn.
- Thức giấc khi ngủ hoặc gián đoạn hô hấp.
- Ngủ không ngon giấc, bởi tình trạng ngưng thở khi ngủ khiến cho người ngủ luôn phải giữ cho cơ vùng họng luôn vận động để duy trì sự hít thở.
- Do mất ngủ và khó ngủ xảy ra thường xuyên dẫn đến mệt mỏi, kém tập trung gây ảnh hưởng tới khả năng làm việc.
- Tình trạng ngừng thở kéo dài có thể dẫn đến tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn về tim mạch.
- Giây giảm thiểu sự cung cấp oxy trong máu.
- Đau đầu kinh niên
- Béo phì

Những cách chữa ngủ ngáy hiệu quả
- Thay đổi tư thế ngủ: Nếu nằm ngửa có thể khiến cho lưỡi và vòm miệng có xu hướng đổ xuống họng gây ngủ ngáy. Nằm nghiêng giúp giảm bớt tình trạng này.
- Giảm cân: Người thừa cân béo phì thường có nguy cơ ngủ ngáy. Giảm cân là biện pháp giảm ngủ ngáy đã được chứng thực
- Không uống bia rượu: Tránh uống rượu trước khi ngủ, vì rượu bia gây giảm trương lực cơ bao gồm cả cơ họng.
- Bỏ thuốc lá do thuốc lá gây kích thích đường hô hấp.
- Rèn luyện thói quen ngủ nghỉ điều độ: Những người thiếu ngủ làm tinh thần mệt mỏi dễ dẫn đến ngủ ngáy
- Không nên sử dụng các thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào gây giảm trương lực cơ vùng họng.
- Thường xuyên thay ga giường, vỏ gối và giữ vệ sinh phòng ngủ: Do bụi nhà có thể là tác nhân gây dị ứng có thể là nguyên nhân gây ngủ ngáy.
- Uống nhiều nước
- Ngủ ở vị trí đầu cao: Sử dụng gối cao giúp khai thông đường thở.
- Không nên ăn nhiều vào bữa tối, hạn chế thức ăn chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ,
- Làm thông thoáng đường thở: Dùng thuốc xịt mũi nếu như đang bị viêm mũi gây tiết dịch cản trở đường hô hấp.
- Sử dụng miếng dán cánh mũi: Ngáy khi ngủ xảy ra khi đường hô hấp bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Do đó, người bệnh có thể sử dụng miếng dán cánh mũi để giúp thở qua đường mũi dễ dàng hơn.
- Sử dụng thiết bị nâng hàm dưới: Ngáy khi ngủ cũng có thể xảy ra khi lưỡi ngăn cản không khí ra vào ở phần cuối cổ họng khi ngủ. Thiết bị nâng hàm dưới có thể sử dụng để nâng lưỡi lên trên trong lúc bạn ngủ.
- Tập thể dục thường xuyên vừa giảm được cân, lại tăng lượng oxy cung cấp cho não.
Nếu ngủ ngáy nghiêm trọng mà thay đổi thói quen sinh hoạt không hiệu quả thì cần đến cơ sở y tế khám, tư vấn và có thể phải điều trị bằng thuốc.
Nếu nguyên nhân gây ra do các bệnh viêm nhiễm vùng mũi họng, điều trị dứt điểm các viêm mũi họng. Nếu trẻ em ngủ ngáy nhiều nên đi khám để được tư vấn việc nạo VA hay cắt amidan.
Nguyên nhân do lệch vách ngăn mũi: Phẫu thuật chữa lệch vách ngăn mũi.
Ngủ ngáy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả nhất là tìm được nguyên nhân, khắc phục nguyên nhân và kết hợp với thay đổi thói quen sinh hoạt.
Bài viết cùng chủ đề rối loạn giấc ngủ:
- Chứng ngủ rũ
- Mất ngủ và những điều cần biết
- Stress mất ngủ cách xử trí
- Thảo dược chữa mất ngủ hiệu quả
- Cách chữa mất ngủ hiệu quả