Rụng tóc từng mảng: nguyên nhân và cách điều trị

Rụng tóc từng mảng

Rụng tóc từng mảng là một chứng bệnh tự miễn dịch gây ra tình trạng tóc rụng nhiều thành từng mảng gây cảm giác tự ti cho người bệnh. Chứng rụng tóc từng mảng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và rất khó để điều trị. Vậy có cách nào để điều trị bệnh?

Rụng tóc từng mảng
Rụng tóc từng mảng

Rụng tóc từng mảng là gì?

Rụng tóc từng mảng là rối loạn tự miễn khi hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công vào các nang tóc làm cho tóc bị gãy rụng tạo thành những vùng không để lại sẹo. Tóc rụng theo mảng hình tròn trên đầu, mỗi mảng bằng đồng xu hoặc lớn hơn. Một người có thể có từ một đến hai mảng rụng tóc. Da đầu ở những mảng này không đỏ, ngứa hay bong tróc.

Hiện không có phương pháp điều trị dứt điểm cho chứng rụng tóc từng mảng. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp tóc bạn mọc lại nhanh hơn đồng thời ngăn ngừa được nguy cơ rụng tóc trong tương lai.

Khi nào rụng tóc từng mảng được coi là bệnh lý?

Nếu bạn không biết khi nào mình bị rụng tóc bệnh lý, một số biểu hiện dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết điều này:

  • Rụng trên 100 sợi mỗi ngày và biểu hiện dễ thấy là khi gội đầu hoặc chải đầu thấy tóc rụng bám vào lược nhiều hơn bình thường.
  • Rụng lâu nhưng không mọc lại.
  • Rụng tóc từng chòm cả khi ướt lẫn khi khô.
  • Tóc thưa thớt có thể thấy rõ da đầu ở nữ giới hay tóc rụng từng mảng ở nam giới.
  • Tóc con mọc lên yếu, mảnh, xoăn hoặc không có tóc con mọc lên.

Các kiểu rụng tóc mảng

Khi bị rụng tóc từng mảng, tóc thường rụng thành các mảng nhỏ trên da đầu. Những mảng này có kích thước khoảng vài cm hoặc ít hơn.

Tình trạng rụng tóc cũng có thể xảy ra ở các bộ phận khác trên khuôn mặt, chẳng hạn như lông mi, lông mày và râu. Một số người chỉ bị rụng tóc ở vài nơi trên da đầu, một số người khác có thể rụng thành nhiều mảng lớn.

Ở mỗi người, biểu hiện rụng tóc mảng có thể khác nhau. Nguyên nhân khác nhau thì biểu hiện rụng tóc mảng cũng không giống nhau. Nhưng về cơ bản có các dạng sau: 

  • Rụng tóc toàn đầu: Bệnh nhân bị rụng toàn bộ tóc ở trên đầu, da đầu hói. 
  • Rụng tóc toàn thân: Bệnh nhân không chỉ rụng tóc mà còn rụng lông toàn thân. 
  • Tóc rụng từng mảng nhỏ: Tóc có thể rụng thành từng mảng nhỏ trên đầu, hình thành nên những vết hói trên da đầu. 

Tùy thuộc theo nguyên nhân khởi phát mà tình trạng rụng tóc ở mỗi người sẽ khác nhau và mức độ nặng nhẹ khác nhau. 

Nguyên nhân gây rụng tóc từng mảng

Rụng tóc từng mảng là một tình trạng tự miễn dịch, nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể bạn bị nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh với những chất lạ.

Thông thường, hệ thống miễn dịch giữ chức năng bảo vệ cơ thể bạn chống lại những “kẻ xâm lược” từ môi trường bên ngoài, chẳng hạn như vi khuẩn và vi rút. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ tấn công nhầm các nang tóc của bạn, khiến các nang tóc không thể hoạt động theo chu trình bình thường, từ đó gây ra tình trạng rụng tóc.

Rụng tóc từng mảng đôi khi kết hợp với các tình trạng bệnh tự miễn khác như: Bệnh tuyến giáp, bệnh bạch biến, bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp và viêm loét đại tràng.

Ngoài ra stress cũng được xếp là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng rụng tóc từng mảng. Đôi khi, rụng tóc từng mảng xảy ra với nhiều thành viên trong gia đình, do yếu tố gen.

Chế độ ăn uống nhiều đường, uống nhiều rượu, hút thuốc lá cũng có thể là nguyên nhân gây viêm và có thể dẫn tới một đợt rụng tóc.

Điều trị rụng tóc từng mảng

Rụng tóc nhẹ đến trung bình

Corticosteroid

Nếu người bệnh rụng tóc nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm corticosteroid hoặc dùng thuốc đường uống.

Corticosteroid dùng để điều trị rụng tóc đóng vai trò là hoạt chất khi đưa vào cơ thể sẽ làm giảm phản ứng viêm. Corticosteroid có thể dùng để tiêm thẳng vào vị trí rụng tóc, khiến tóc mọc lại từ 1 – 6 tháng. Nhưng không phải tiêm corticosteroid lúc nào cũng có hiệu quả và thường không sử dụng cho trẻ em. Corticosteroid có thể tiêm cho các vùng rụng tóc khác nhau như da đầu, lông mày, vùng râu quanh miệng.

Trước khi tiêm, bác sĩ có thể làm giảm cảm giác khó chịu bằng cách dùng thuốc bôi tê tại chỗ. Tùy thuộc vào kích thước của vùng điều trị, bạn có thể cần tiêm nhiều mũi. Đồng thời cần lặp lại việc tiêm nhiều lần, mỗi lần cách nhau 4 – 6 tuần. Tác dụng phụ có thể gặp là mỏng da nhưng chỉ thoáng qua. Mụn trứng cá và đỏ da tại vị trí tiêm có thể xuất hiện.

Ngoài ra corticosteroid có thể dùng ở đường thoa và uống. Đường uống được sử dụng nếu như bệnh nhân có tốc độ rụng tóc nhanh. Thuốc sẽ giúp ngưng hoặc làm chậm lại quá trình rụng tóc. Tuy nhiên hiệu quả chỉ tạm thời và dạng viên uống chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn.

Minoxidil

Minoxidil dạng xịt có thể hỗ trợ mọc lại tóc. Loại thuốc xịt này thường được dùng cho các loại rụng tóc, trong đó có rụng tóc từng vùng. Một vài bệnh nhân gặp hiện tượng kích ứng da khi dùng minoxidil. Minoxidil và thoa corticosteroid có thể được sử dụng song song.

Liệu pháp laser

Liệu pháp Laser sử dụng các bước sóng thích hợp chiếu vào vị trí rụng để kích thích mọc tóc mới.

Tiêm huyết tương tiểu cầu (PRP)

Huyết tương tiểu cầu được tạo ra từ máu đã qua xử lý và tiêm vào chỗ rụng tóc. PRP có huyết tương cô đặc, chứa các yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu, giúp phục hồi các nang tóc.

Rụng tóc từng mảng nặng

Thuốc uống methotrexate và cyclosporin, hoạt động bằng cách ngăn chặn phản ứng của hệ thống miễn dịch. Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện khi sử dụng trong thời gian dài, chẳng hạn huyết áp cao, tổn thương gan và thận, tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.

Rụng tóc từng mảng nếu đi kèm với các bệnh tự miễn như bạch biến, lupus, tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, và viêm loét đại tràng,… sẽ tiến hành điều trị rụng tóc song song với điều trị các bệnh kể trên.

Chăm sóc tóc tại nhà

Ngoài việc sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc tóc khác nhằm giúp cải thiện chứng các triệu chứng của rụng tóc từng mảng. Các biện pháp này thường bao gồm chải tóc nhẹ nhàng, không nhuộm tóc, uốn tóc hoặc buộc tóc quá chặt. Ngoài ra, bạn cũng nên đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài để bảo vệ tóc khỏi ánh nắng mặt trời.

Việc kiểm soát sự căng thẳng cũng là một bước vô cùng quan trọng trong việc cải thiện tình trạng rụng tóc từng mảng. Một số nghiên cứu cho rằng, sự căng thẳng quá mức có thể là yếu tố kích hoạt phát triển chứng rụng tóc từng mảng và chứng rụng tóc Telogen.

Với những người lớn tuổi hay hói đầu lâu năm, cần nhiều thời gian hơn để tóc hồi phục nên phải kiên trì theo đủ liệu trình, kết hợp điều chỉnh lối sống tích cực như giảm stress, ngủ đủ giấc, hạn chế thuốc lá, rượu bia… để đem lại hiệu giảm rụng tóc, ngừa hói đầu tốt nhất.

Rụng tóc từng mảng nên ăn gì?

  • Trái cây và rau củ: Các trái cây và rau quả có màu sắc tươi sáng (táo, dâu tây, bông cải xanh, súp lơ trắng, rau chân vịt, dứa, bắp cải xanh và quả mơ) chứa chất chống oxy hóa, có tác dụng tăng cường lưu thông máu, cung cấp chất dinh dưỡng để tóc mới mọc lên.
  • Chất béo lành mạnh: Có tác dụng giảm viêm, ngăn rụng tóc như dầu hạt cải, dầu ô liu và/hoặc dầu bơ, cá hồi, cá thu, cá trích,…
  • Chất đạm: Tóc được cấu tạo chủ yếu từ protein nên chế độ dinh dưỡng hàng ngày nên ăn đa dạng thực phẩm giàu chất đạm như trứng, thịt, hải sản, gan, sữa, rau mầm và đậu.
  • Nước dùng xương: Giúp tăng cường miễn dịch, nuôi dưỡng làn da, mái tóc, móng tay, và giảm viêm nhiễm. Nước dùng xương chứa nhiều chất dinh dưỡng và rất dễ tiêu hóa như gelatin, collagen, glycine, magiê, phốt pho và canxi.

Bệnh rụng tóc từng mảng, sau vài tháng tóc sẽ tự mọc lại. Nhưng chỉ khoảng 50% những người rụng tóc từng mảng mức độ nhẹ, sau 1 năm tóc sẽ phục hồi.

Bệnh rụng tóc từng mảng khó chữa khỏi. Tuy nhiên, người bệnh có thể cải thiện bằng các phương pháp làm chậm quá trình rụng và giúp tóc mọc lại nhanh hơn.

Để tránh tình trạng rụng tóc mảng thêm trầm trọng, ngoài áp dụng các liệu pháp điều trị theo chỉ định thì người bệnh cũng cần đặc biệt lưu ý chăm sóc tóc tốt hơn. Người bệnh cũng nên đến các chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được điều trị sớm khi đã trãi qua các bước chăm sóc mà không hiệu quả hay tóc rụng thành mảng lớn, quá nhiều.

Để lại một bình luận