Hệ miễn dịch khỏe mạnh là nền tảng quan trọng cho một sức khỏe tốt, tạo đà cho sự tăng trưởng, phát triển vượt trội về thể chất và tinh thần của trẻ. Để xây dựng nền móng cho hệ miễn dịch của bé một cách vững chắc, cha mẹ cần quan tâm, theo dõi, chăm sóc từ khi bé còn ở trong bụng mẹ đến khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Hệ thống miễn dịch là gì?
Miễn dịch là một cơ chế bảo vệ, trong đó cơ thể chúng ta được bảo vệ khỏi bệnh truyền nhiễm. Nó hoạt động thông qua hệ thống miễn dịch, chống lại nhiễm trùng và tiêu diệt các sinh vật có hại ảnh hưởng tới cơ thể chúng ta.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng và virus gây ra. Hệ thống này được tạo thành từ các tế bào, protein, mô và cơ quan khác nhau. Nó tạo ra kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập và giữ cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Đó là lý do tại sao các bác sĩ và chuyên gia luôn nhấn mạnh việc duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Gần đây, mối quan tâm về khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng cho trẻ đã trở nên quan trọng và phù hợp hơn sau khi đại dịch COVID-19 tấn công thế giới. Sự bùng phát dịch đã cho thấy rằng những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh được trang bị tốt hơn để đối phó với sự tấn công của SARS-CoV-2.
Miễn dịch của trẻ có từ đâu?
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ được hình thành từ khi con còn ở trong bụng mẹ. Ban đầu, con nhận được kháng thể một cách “thụ động” do mẹ truyền sang nhau thai. Khi con chào đời, mẹ vẫn tiếp tục giúp con tăng cường khả năng chống lại bệnh tật bằng nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ.
Do đó, cần khuyến khích người mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trẻ bú mẹ thường rất ít bị rối loạn tiêu hóa vì sữa mẹ rất an toàn, nhiều kháng thể và rất phù hợp với sự tiêu hóa của trẻ.
Tuy nhiên, khi con bắt đầu lên 6 tháng tuổi, sự “trợ giúp” từ mẹ bắt đầu không còn đạt mức tối ưu vì lượng kháng thể được truyền qua sữa mẹ suy giảm, khiến trẻ dễ nhiễm bệnh hơn. Bắt đầu từ cột mốc này, bé cần được tăng cường dinh dưỡng và hỗ trợ từ bên ngoài để bắt đầu quá trình hoàn thiện khả năng đề kháng một cách chủ động.
Cần cho trẻ ăn dặm đúng cách, đúng thời điểm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (khi trẻ tròn 6 tháng tuổi) bằng các loại thức ăn phù hợp theo từng lứa tuổi của trẻ sẽ giúp hệ tiêu hóa của trẻ luôn khỏe mạnh.
Trong giai đoạn từ 2 – 5 tuổi, lứa tuổi trẻ phải đến trường mầm non, tiếp xúc với nhiều virus, vi khuẩn,… nên cần tạo cho trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân tốt, nhất là thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa.
Ngoài ra, cần thực hiện việc tẩy giun định kỳ cho trẻ từ 2 tuổi mỗi 6 tháng 1 lần nhằm giảm những tác hại do nhiễm giun gây ra, trong đó có tình trạng rối loạn tiêu hóa. Bổ sung men và các vitamin cần thiết đối với những trẻ đang bệnh hoặc đang điều trị kháng sinh gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch.
Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ mầm non – mẫu giáo
Trẻ nhỏ thường dễ bị bệnh khi đi mầm non – mẫu giáo. Đây là nỗi lo ngại lớn nhất của nhiều bố mẹ khi cân nhắc cho trẻ đến trường. Nhiều bé có tần suất bệnh dày đặc, không những tác động đến sức khỏe, tăng trưởng của các bé mà còn xáo trộn toàn bộ cuộc sống – công việc của cả gia đình.
Lý do mà các bậc cha mẹ nên lưu tâm khi bé đi nhà trẻ
- Thay đổi môi trường sống: Ở trường, con sẽ cùng ăn chung, ngủ chung, chơi chung với các bé khỏe mạnh, bé đang bệnh, vừa khỏi bệnh và cả bé trong giai đoạn ủ bệnh nên khả năng truyền bệnh cho nhau là vô cùng cao, nhất là các bệnh dễ lây qua đường hô hấp, tiêu hóa,…
- Sang chấn tâm lý: Bé rời xa ngôi nhà thân yêu một cách đột ngột, hòa mình vào môi trường hoàn toàn mới. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần – tâm lý của bé; gây căng thẳng, lo lắng, khóc nhiều, sang chấn tâm lý,… nên dễ bị mệt mỏi, kém vui và cũng dễ mắc bệnh hơn.

Cách tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ
Tăng cường hệ miễn dịch là một bước quan trọng giúp bảo vệ bé trước các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Dưới đây là một số cách giúp bạn nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ một cách an toàn, hiệu quả.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Chế độ ăn đa dạng và đầy đủ thành phần dinh dưỡng là rất cần thiết cho sự tạo thành và hoạt động của các tế bào miễn dịch. Sự hoạt động của hệ miễn dịch cần hỗ trợ và phối hợp của nhiều chất dinh dưỡng khác nhau trong cơ thể như: vitamin C, vitamin D, vitamin A, kẽm, selen, sắt và protein. Các chất này hoạt động như chất chống oxy hóa nhằm bảo vệ tế bào khỏe mạnh, hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của tế bào miễn dịch và quá trình sản xuất kháng thể.
Nguồn cung cấp các chất này gồm từ thực vật như rau có màu xanh đậm, củ quả như cà rốt, cam, đậu xanh, dâu tây; động vật như thịt đỏ, thịt gia cầm. Tại mỗi gia đình, cha mẹ có thể xây dựng thực đơn với chế độ dinh dưỡng chứa đạm, tinh bột, chất béo và các yếu tố vi lượng kể trên cho bé.
Cha mẹ cần chú ý việc sử dụng các sản phẩm bổ sung chứa vitamin và yếu tố vi lượng như kẽm, sắt, …cho trẻ em cần có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế, nhằm tránh những độc tính gây ra do uống quá liều lượng.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hệ vi sinh vật đường ruột có chức năng miễn dịch với vai trò tham gia sản xuất protein kháng khuẩn. Hệ vi sinh có lợi được duy trì, hỗ trợ phát triển bởi chế độ ăn giàu chất xơ nguồn gốc thực vật như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt các loại.
Chất xơ được vi sinh vật đường ruột phân hủy, chuyển hóa thành axit béo chuỗi ngắn, từ đó kích thích hoạt động của tế bào miễn dịch.
Thực phẩm probiotic chứa vi khuẩn sống có lợi như sữa chua, rau lên men, món tempeh, kim chi và miso; prebiotic chứa chất xơ và oligosaccharide như tỏi, hành tây, tỏi tây, măng tây, chuối, rong biển hỗ trợ nuôi dưỡng và duy trì các đặc tính khỏe mạnh của vi sinh vật đường ruột.
Chế độ ăn cho trẻ cần lưu ý nguyên tắc ăn nhiều loại trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nhằm bổ sung prebiotic trong chế độ ăn cho trẻ.
Cho trẻ bú sữa mẹ
Nguồn kháng thể, tế bào bạch cầu được cung cấp từ sữa mẹ giúp bảo vệ bé tránh một số bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, tiêu chảy, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm màng não, dị ứng và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng giúp phát triển trí não của bé một cách toàn diện, chống bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, bệnh Crohn, viêm đại tràng hay một số dạng ung thư khi trẻ lớn lên.
Sữa non của mẹ là loại sữa màu vàng loãng tiết ra trong những ngày đầu sau sinh chứa rất nhiều kháng thể có giá trị. Vì vậy, Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ cũng như Bộ Y tế Việt Nam khuyến khích các bà mẹ cho con bú càng sớm sau sinh càng tốt, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến khi trẻ 24 tháng tuổi.
Tiêm chủng đầy đủ
Đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo lịch khuyến cáo của Bộ y tế sẽ không chỉ bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, mà còn giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng, những người không được tiêm chủng do tiêm chủng vắc – xin kích thích cơ thể sản xuất kháng thể giúp chống đỡ vi sinh vật gây bệnh một cách chủ động.
Tạo dựng thói quen sinh hoạt
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Việc thiếu ngủ gây suy yếu miễn dịch của bé, sụt giảm tế bào diệt tự nhiên, tạo cơ hội cho vi sinh vật gây bệnh tấn công cơ thể một cách dễ dàng. Số giờ ngủ cần có trong ngày thay đổi tùy từng giai đoạn phát triển của trẻ: trẻ sơ sinh cần 18-20 giờ/ngày, trẻ mới biết đi cần 12 – 13 giờ/ngày và trẻ học mẫu giáo cần 10 giờ/ngày.
Khuyến khích trẻ tập thể dục
Việc tập luyện thể dục thường xuyên có thể giúp tăng cường các tế bào miễn dịch của cả người lớn và trẻ em. Để tạo thói quen tập thể dục cho trẻ, bố mẹ nên trở thành một tấm gương tập luyện và cho bé tham gia các bài tập thể dục lành mạnh phù hợp như đi bộ, đạp xe hoặc trượt băng.
Khuyến khích trẻ giữ gìn vệ sinh
Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp bảo vệ cơ thể trẻ tránh khỏi, giảm nguy cơ tiếp xúc, xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh, từ đó bảo vệ các tế bào miễn dịch. Cha mẹ cần khuyến khích bé tạo thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tham gia các hoạt động vui chơi, đánh răng 2 lần/ngày.
Tránh tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá
Hệ miễn dịch của trẻ có thể bị tổn thương khi tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, do trẻ có tần số thở nhanh hơn và cơ chế giải độc tự nhiên chưa hoàn thiện. Hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản và nhiễm trùng ở trẻ nhỏ, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về trí não, thần kinh của trẻ. Vì vậy, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá để đảm bảo cho sức khỏe hệ miễn dịch.
Việc tăng cường hệ miễn dịch của trẻ rất quan trọng, không chỉ giúp trẻ bảo vệ sức khỏe mà còn phòng ngừa nguy cơ mắc nhiều bệnh lý. Vì thế, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ để trẻ luôn có sức khỏe thật tốt, phát triển khỏe mạnh đồng đều.