Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn vì vậy việc chăm sóc cho đôi mắt luôn sáng khỏe là việc vô cùng quan trọng. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Vitamin A là một dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt giúp cho đôi mắt sáng khỏe hơn. Vậy vai trò của vitamin A đối với mắt là gì?

Vì sao cần bổ sung vitamin cho mắt?
Hút thuốc, ô nhiễm không khí, môi trường bụi bẩn, lười vận động, tích tụ chất độc trong cơ thể… có thể khiến thị lực suy giảm, khả năng quan sát kém, thậm chí người bệnh cần phải đeo kính thuốc, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, làm việc.
Không những vậy, khi mắt yếu còn làm tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng, bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
Việc bổ sung các dưỡng chất, vitamin tốt cho mắt có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu những căn bệnh này ngay từ khi người bệnh còn trẻ.
Vai trò của vitamin A đối với mắt
Vitamin A tham gia trực tiếp vào các phản ứng hóa học ở các tế bào que và nón ở võng mạc. Chất này còn tạo sắc tố võng mạc giúp điều tiết mắt và hỗ trợ mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Vitamin A cũng là một trong những thành phần cấu tạo và giúp phim nước mắt (màn nước mắt) dính vào bề mặt giác mạc.
Nhiều công trình nghiên cứu về bệnh lý bề mặt nhãn cầu đã chỉ ra sự tương quan mật thiết giữa nước mắt và bề mặt nhãn cầu. Theo nguyên lý cấu tạo, nước mắt được tạo thành bởi ba lớp chất lỏng: dầu, nước và chất nhầy (mucin).
Tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí, ánh nắng, sử dụng máy tính, điện thoại hoặc stress đều sẽ gây ra sự giảm tiết nước mắt. Sự biến đổi này dẫn đến mất cân bằng cho bề mặt nhãn cầu, khiến giác mạc bị tổn thương. Từ đó hình thành các triệu chứng như khô mắt, mệt mỏi mắt, cảm giác vật lạ trong mắt, mờ mắt, đau mắt, sợ ánh sáng, nặng, ngứa, khó chịu mắt, ghèn mắt, chảy nước mắt và sung huyết.
Nghiên cứu của Nhật Bản trên các bệnh nhân mắt cho thấy vitamin A giúp mắt tổng hợp và ổn định, là loại mucin giúp nước mắt dính chặt vào bề mặt giác mạc, đồng thời hỗ trợ tổng hợp chất nhờn trong mắt và thúc đẩy quá trình lành biểu mô.
Hai cơ chế này giúp phục hồi các tế bào biểu mô giác mạc và sửa chữa những hư hỏng ở lớp mucin, nhờ vậy cải thiện tình trạng khô mắt và điều chỉnh thị lực. Sau thí nghiệm, các tình nguyện viên đã cải thiện hơn 10 triệu chứng liên quan tới khô mắt.
Nghiên cứu cũng cho thấy không có các biến cố bất lợi nghiêm trọng cũng như phản ứng có hại của vitamin A đối với mắt. Các nhà khoa học kỳ vọng nghiên cứu này hiệu quả trong điều trị các bệnh về mắt, đặc biệt là do thiếu hụt vitamin A.
Mắt thiếu vitamin A sẽ bị gì?
Mắt bị thiếu hụt vitamin A có thể gặp các tình trạng sau:
- Quáng gà (hiện tượng suy giảm thị lực, không nhìn rõ trong điều kiện thiếu ánh sáng).
- Cảm giác khô rát mắt.
- Đau mắt và hốc mắt.
- Đỏ mắt.
- Có hiện tượng dính mí mắt trên và dưới.
- Mắt yếu, suy giảm thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Mắt nhạy cảm với các loại ánh sáng mạnh.
- Thường xuyên chảy nước mắt do tuyến lệ bị kích thích.
Lượng vitamin A bổ sung cho mắt mỗi ngày
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kì (NIH), hàm lượng vitamin A cần thiết mỗi ngày sẽ thay đổi theo từng độ tuổi.
- Trẻ em cần khoảng 300 – 600mcg vitamin A mỗi ngày.
- Người trưởng thành cần khoảng 700 – 900mcg.
- Phụ nữ mang thai nhu cầu vitamin A là khoảng 770mcg.
- Phụ nữ đang cho con bú là khoảng 1.300mcg.
Chúng ta có thể bổ sung vitamin A cho mắt thông qua một số thực phẩm như: Các loại rau có màu xanh đậm, cà rốt, khoai lang, gan cá, ớt chuông, bông cải xanh, trứng, cà chua, dưa lưới, khoai lang,… hoặc một số loại thực phẩm chức năng chứa nhiều vitamin A cũng là lựa chọn phù hợp nếu không thể bổ sung đầy đủ vitamin A bằng chế độ dinh dưỡng.
Vai trò của vitamin A đối với mắt là rất quan trọng. Hãy nhớ bổ sung vitamin A và chăm sóc mắt thường xuyên. Nên đi khám mắt định kỳ 1 năm 1 lần tại các bệnh viện mắt chuyên khoa để đôi mắt của bạn luôn sáng khỏe.