Vitamin A là một vi chất quan trọng cần thiết và cũng không thể thiếu trong quá trình sinh trưởng và phát triển của con người. Thiếu hụt vitamin A khiến cho trẻ chậm lớn, giảm sức đề kháng, hoặc mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bị quáng gà, thậm chí là loét giác mạc.

Vitamin A là gì?
Vitamin A là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho con người. Nó không tồn tại dưới dạng một hợp chất duy nhất, mà dưới một vài dạng. Vitamin A có ở trong nhiều loại thực phẩm, nó tồn tại trong thực phẩm có nguồn gốc động vật dưới dạng retinol, còn trong thực vật dưới dạng caroten (tiền vitamin A). Gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát, rau muống, rau ngót, rau cải xanh, bí đỏ, cà rốt, xoài có chứa nhiều vitamin A.
Trung bình mỗi ngày, trẻ em gồm cả thanh thiếu niên thì khoảng 300 – 600mcg vitamin A, nam giới nên bổ sung 900mcg còn nữ giới khoảng 700mcg.
Thiếu vitamin A sẽ như thế nào?
Thiếu hụt vitamin A làm cho trẻ nhỏ chậm lớn, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, dễ mắc những bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng. Nhất là những bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp hay đường tiêu hóa và sởi.
Vitamin A tham gia vào chức năng thị giác của mắt, giúp cho mắt có khả năng nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi thiếu vitamin A khả năng nhìn thấy của mắt trong trường hợp ánh sáng yếu sẽ giảm. Hiện tượng “quáng gà” xuất hiện khi trời tối nhá nhem, là biểu hiện lâm sàng sớm của thiếu vitamin A.
Thiếu vitamin A còn làm giảm sản xuất các niêm mạc da khô và xuất hiện sừng hóa. ban đầu kết mạc khô rồi tổn thương đến giác mạc, các tế bào biểu mô bị tổn thương cùng với sự giảm sút sức đề kháng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Những ai dễ thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A xảy ra khi lượng vitamin A dự trữ hết và lượng vitamin A ăn vào không đủ. Đối tượng dễ dẫn tới thiếu vitamin A là những người có khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin A, mắc bệnh nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng và trẻ em suy dinh dưỡng,…
Thiếu hụt do khẩu phần ăn thiếu vitamin A
- Do cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A, do đó toàn bộ vitamin A có được là do thức ăn cung cấp. Nếu bữa có những loại thức ăn nghèo vitamin A và thiếu mỡ sẽ làm giảm hấp thu vitamin A. Đối với trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng, vì vậy trẻ không được bú mẹ rất dễ dẫn đến thiếu vitamin A.
Bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng
- Những bệnh nhiễm khuẩn như sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp,… gây thiếu hoặc mất vitamin A do nhu cầu vitamin A trong cơ thể tăng cao nhằm bảo vệ trước tác nhân gây bệnh. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột thường gặp nhất là giun đũa làm giảm khả năng hấp thu vitamin A.
Suy dinh dưỡng
- Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có kèm theo thiếu vitamin A. Bởi vì thiếu protein sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa, vận chuyển và sử dụng vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, nếu thiếu một số vi chất như kẽm cũng có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin A trong cơ thể.
Phòng thiếu vitamin A
Bổ sung viên nang vitamin A
- Bổ sung vitamin A liều cao là thực hiện cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao được uống vitamin A định kỳ 6 tháng/lần. Nhóm đối tượng đó bao gồm: trẻ em 6-36 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng.
Phòng các bệnh nhiễm khuẩn
- Các bệnh nhiễm trùng đặc biệt là sởi gây thiếu hụt vitamin A rất nghiêm trọng. Do vậy, việc phòng chống những nguy cơ gây thiếu vitamin A rất cần thiết và được triển khai trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phòng chống thiếu vitamin a cần phối hợp với phòng suy dinh dưỡng.
Bổ sung vitamin A qua bữa ăn
- Đối với trẻ nhỏ, cần nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất. Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, những thực phẩm giàu vitamin A bao gồm: trứng, thịt, tôm, cá, rau muống, cà rốt, đu đủ, rau diếp,… Ngoài ra trong bữa ăn cần có đủ dầu mỡ để hỗ trợ hấp thụ vitamin A.
Vitamin A là một vi chất rất cần thiết và quan trọng của cơ thể. Trẻ em hay những người suy dinh dưỡng, mắc những bệnh nhiễm trùng là đối tượng dễ thiếu vitamin A. Do vậy, để phòng ngừa thiếu hụt vitamin A cần phải ăn uống đầy đủ, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A và phòng ngừa những bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là sởi đối với trẻ em.