Phốt pho là gì? Vai trò với sức khỏe

Phốt pho là gì?

Phốt pho (Phospho) là một khoáng chất thiết yếu đối với sự phát triển của xương và răng. Nó cũng tham gia vào quá trình co cơ, đông máu, chức năng thận, thần kinh, tái tạo mô và tế bào và đảm bảo nhịp tim bình thường. Hãy cùng Parapharmacy tìm hiểu chi tiết hơn về Phốt pho về vai trò đối với sức khỏe nhé!

Phốt pho là gì?

Phốt pho (Phospho) là một chất có vai trò quan trọng trong nhiều các quá trình chuyển hóa của cơ thể, chẳng hạn như quá trình sinh tổng hợp các chất cơ bản của cơ thể như protein, carbohydrate, phospholipid màng tế bào, DNA, RNA, trong sản sinh năng lượng (dưới dạng ATP), co cơ, điều hòa nhịp tim, dẫn truyền thần kinh, sự tạo xương, duy trì sự cân bằng acid-base của cơ thể,…

Phospho thường tồn tại trong cơ thể dưới dạng phosphat. Đây là một khoáng chất rất quan trọng, giúp cấu thành của hệ xương và là yếu tố cơ bản trong vận chuyển, chuyển hóa năng lượng của tế bào. 

Phospho là khoáng chất có hàm lượng cao thứ hai trong cơ thể con người (đứng đầu là canxi). Cơ thể cần phospho để thực hiện nhiều chức năng quan trọng như lọc các chất cặn bã, sửa chữa các mô và tế bào bị tổn thương…

Phospho đi vào cơ thể qua chế độ ăn uống. Phospho có trong nhiều loại thực phẩm và được dễ dàng hấp thu bởi ruột. Khoảng 70-80% Phospho của cơ thể kết hợp với canxi để giúp hình thành xương và răng, 10% được thấy trong cơ bắp và khoảng 1% ở trong mô thần kinh. Phần còn lại được thấy trong các tế bào khắp cơ thể, nơi chúng được sử dụng chủ yếu để lưu trữ năng lượng.

Vai trò của phốt pho

Đối với trẻ em

  • Cùng với Canxi, Phốt pho là khoáng chất không thể thiếu cho sự hình thành và phát triển hệ xương, chiều cao của trẻ. Thiếu Phốt pho sẽ gây ra còi xương, chậm lớn ở trẻ.
  • Mỗi ngày, trẻ từ 9 đến 18 tuổi cần nhiều phốt pho nhất khoảng 1250mg. Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi cần 100mg, trẻ từ 7 đến 12 tháng cần 275mg, trẻ từ 1 đến 8 tuổi cần khoảng 450 đến 500mg.

Đối với người lớn

  • Khoảng ¾ lượng Phốt pho trong cơ thể tập trung ở xương và răng. Do đó, Phốt pho đóng vai trò quan trọng giúp xương và răng chắc khỏe.
  • Phốt pho giúp cơ thể duy trì và sản xuất ra năng lượng.
  • Phốt pho còn tham gia vào quá trình chuyển hóa chất đạm, chất đường bột và chất béo, đảm bảo cho các hoạt động trong cơ thể diễn ra bình thường.

Lượng nhu cầu Phốt pho cần thiết

Lượng phospho khuyến nghị đối với mỗi người phụ thuộc vào lứa tuổi.

Người lớn cần ít phospho hơn trẻ từ 9-18 tuổi nhưng cần nhiều hơn so với trẻ em dưới 8 tuổi.

Viện Linus Pauling đã đưa ra bảng nhu cầu khuyến nghị đối với lượng phospho tiêu thụ hàng ngày như sau:

  • Người lớn (trên 19 tuổi): 700mg
  • Trẻ em (9-18 tuổi): 1250mg
  • Trẻ em (4-8 tuổi):  500mg
  • Trẻ em (1-3 tuổi): 460mg
  • Trẻ em (7-12 tháng tuổi): 275mg
  • Trẻ em (0-6 tháng tuổi): 100mg

Hiện nay tỷ lệ thiếu phospho là rất ít, hầu hết mọi người đều có thể bổ sung đủ lượng phospho cần thiết thông qua chế độ ăn.

Các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới việc hấp thu Phốt pho

  • Vitamin D dạng hoạt hóa có tác dụng làm tăng quá trình hấp thu phospho ở ruột.
  • Tăng tiết hormon tuyến cận giáp (PTH) sẽ làm tăng phóng thích phosphat từ xương và ức chế quá trình tái hấp thu phosphat ở ống lượn gần của thận, làm hạ phospho máu và làm giảm dự trữ phosphat ở xương.
  • Hormon tăng trưởng (GH) cho tác dụng trái ngược hoàn toàn với hormon cận giáp (PTH).
  • Hiện tượng tăng khối lượng dịch trong cơ thể, sử dụng thuốc corticoid, bệnh nhân mắc các rối loạn chức năng ở ống lượn gần (Hội chứng Fanconi hay nhiều bệnh lý khác) sẽ làm giảm quá trình tái hấp thu phosphat ở ống lượn gần.
  • Việc bắt giữ phosphat của các tế bào trong cơ thể được kích thích bởi nhiều yếu tố như: Sự kiềm hóa máu, hormon insulin, epinephrine, chế độ nuôi dưỡng, hội chứng xương hóa và sự tăng sản tế bào diễn ra mạnh mẽ.
  • Quá trình chuyển hóa và cân bằng phospho trong cơ thể người còn liên quan chặt chẽ với quá trình chuyển hóa calci.

Nguồn bổ sung Phốt pho

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, cũng đồng thời cung cấp nhiều Phốt pho như: Trứng, cá, gan, thận động vật…
  • Bên cạnh đó, các loại hạt như hướng dương, hạnh nhân, các loại đậu, pho mát cũng là nguồn thực phẩm giàu Phốt pho.
  • Sữa là nguồn thực phẩm chứa nhiều Phốt pho. Như đã nói, bổ sung Phốt pho phải đi kèm với các chất dinh dưỡng khác, nên sữa bột chính là sự lựa chọn phù hợp nhất để dùng hàng ngày.

Hãy bổ sung và duy trì cân bằng lượng Phốt pho trong cơ thể để mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sức khỏe lâu dài.

Để lại một bình luận